Một năm qua, bạn đã đầu tư một lượng lớn ngân sách và nhân lực để triển khai các kế hoạch kinh doanh, nhưng chúng lại không thực sự hiệu quả như mong đợi, dẫn đến một số thất bại trong kinh doanh. Đây chính là cơ hội để bạn phân tích lại những thành công và hạn chế của năm cũ nhằm hiểu rõ hơn điều cần thay đổi và điều nên duy trì cho doanh nghiệp.
Dựa trên kết quả phân tích, bạn có thể xác định những phương pháp tốt nhất nhằm thu hút thêm khách hàng và cải thiện doanh số. Dưới đây là 7 tips giúp bạn điều chỉnh kế hoạch kinh doanh một cách hiệu quả.
1. Chú trọng nhân tố “vàng” và tiến hành mở rộng
Đánh giá lại chiến lược của bạn và xem xét những khía cạnh tạo ra kết quả vượt trội, mang chúng vào những chiến lược tiếp theo. Điều quan trọng nhất là chú ý những nhân viên bán hàng tài năng, hiểu rõ lí do tiềm ẩn phía sau giúp họ bán hàng hiệu quả, bạn có thể mang những kĩ năng, nhân tố đó áp dụng qui mô lớn cho cả công ty để nâng cao năng suất làm việc. Ví dụ như bạn có thể viết lại một số sales toolkit từ kiến thức của những nhân viên “vàng” và phổ biến cho cả doanh nghiệp. Hoặc một nhân viên customer service của bạn nhận rất nhiều cuộc gọi từ khách hàng bởi vì họ có kĩ năng giao tiếp tốt, khả năng đồng cảm, lắng nghe, bạn có thể lấy điểm mạnh này triển khai và áp dụng cho cả bộ phận customer service.
2. Tiếp cận xu hướng thị trường và sự thay đổi thị hiếu khách hàng
Đầu tiên, hãy so sánh các kế hoạch năm 2018 của bạn với doanh số thực tế đạt được. Nếu kế hoạch của bạn đi sai hướng, hãy đánh giá lại thị trường và xác định sự thay đổi thị hiếu khách hàng đã tác động đến. Cuối cùng, hãy xem xét các lựa chọn của bạn và điều chỉnh kế hoạch năm 2019 để cập nhật kịp thời các xu hướng thị trường quan trọng. Chẳng hạn, nếu sản phẩm của bạn là dịch vụ hướng đến khách hàng gen Z thì phải chú ý đến thị hiếu của họ - xu hướng cá nhân hóa. Bạn nên phát triển những sản phẩm, dịch vụ nâng cao trải nghiệm cá nhân hóa cho họ để đạt được hiệu quả kinh doanh tốt hơn.
3. Học hỏi từ thành công và thất bại
Bạn cần hiểu lí do chốt đơn hàng thành công và lí do thất bại của những đơn hàng khác để xây dựng nên một kế hoạch kinh doanh thực sự hiệu quả. Bạn không nên quá nghiêm trọng hóa thất bại mà hãy xem đó là những bài học kinh nghiệm đáng giá cho các bước tiến xa hơn trong tương lai. Điều này sẽ giúp nhân viên bán hàng của bạn xác định được đâu là điểm mạnh và điểm yếu của họ, từ đó cải thiện kĩ năng bán hàng giúp tăng tỉ lệ khách mua hàng cao hơn.
4. Xem lại phản hồi của khách hàng và đối tác
Tiến hành một cuộc khảo sát để thu thập một số dữ liệu, nguyên văn phản hồi từ khách hàng và đối tác. Bạn nên theo dõi những thông tin này thường xuyên, chẳng hạn 2 tháng 1 lần để kịp thời thay đổi, cải thiện kế hoạch và hành động nhanh chóng nhằm đảm bảo sự tăng trưởng doanh số trong tương lai cho doanh nghiệp.
5. Thay đổi góc nhìn từ bên ngoài
Khi xây dựng kế hoạch kinh doanh, bạn thường có xu hướng làm mọi thứ theo ý kiến chủ quan của mình. Điều đó vẫn rất tốt, nhưng bạn hãy nhớ rằng, bạn sẽ không thể có câu trả lời cho mọi câu hỏi. Vì vậy, bạn nên hỏi thêm đề xuất, ý kiến từ những người xung quanh: nhân viên cấp dưới, các quản lí cấp cao hơn hoặc các chuyên gia trong ngành để có cái nhìn khách quan hơn cho kế hoạch kinh doanh của doanh nghiệp.
6. Phân tích các bất mãn của khách hàng khi trải nghiệm mua sắm
Phân tích và kiểm tra số liệu để xác định vấn đề bán hàng nằm ở đâu. Bắt đầu đặt câu hỏi về dữ liệu bằng cách tập trung vào khách hàng - ví dụ: Tại sao 50% người mua giảm trong giai đoạn thứ ba? Tại sao các quyết định mất nhiều thời gian hơn trong giai đoạn cuối? Việc phân tích và chẩn đoán này có thể giúp bạn khám phá ra giải pháp hiệu quả cho việc điều chỉnh kế hoạch kinh doanh.
7. Xây dựng đội ngũ và văn hóa nội bộ
Để kinh doanh thành công, bạn không chỉ cần biết nhiều về số liệu mà còn phải quan tâm đến yếu tố con người. Thay vì xây dựng một kế hoạch kinh doanh mới hoàn toàn, bạn có thể xem xét lại nhân viên của mình và đặt họ vào đúng vị trí. Đặt mục tiêu phấn đấu, thúc đẩy sự phát triển cá nhân và thấu hiểu trở ngại của họ là cách tốt nhất để nâng cao giá trị dịch vụ, từ đó nâng cao doanh số cho doanh nghiệp.
Nguồn: Forbes.com