Bạn có biết ?
76.233 là số lượng doanh nghiệp đăng ký hoạt động trong 6 tháng đầu năm 2022 tại Việt Nam
Doanh nghiệp mới đã nhiều, các doanh nghiệp cũ lại cạnh tranh khốc liệt với nhiều ý tưởng sản phẩm, dịch vụ đa dạng. Vì vậy mà ngày nay, khách hàng dễ thay đổi thị hiếu, hành vi, thói quen… trong mua sắm. Muốn xây dựng BRAND LOVE - tình yêu thương hiệu nơi khách hàng quả là một thử thách. Nhưng Brand Love là gì? Vì sao chúng ta cần biết đến Brand Love? Hành trình xây dựng Brand Love trải qua bao nhiêu giai đoạn? Trong bài viết hôm nay, mời bạn cùng Cask đi tìm lời giải cho những câu hỏi này nhé!
Brand Love là gì?
Brand Love hay tình yêu thương hiệu là tình cảm gắn bó của người tiêu dùng đối với thương hiệu, được thể hiện thông qua tần suất tương tác, lòng trung thành và sự ủng hộ của người dùng dành cho thương hiệu. Như mọi thứ tình cảm trên đời, Brand Love được xây dựng dựa trên sự kết nối cảm xúc chứ không đơn thuần là đáp ứng nhu cầu. Do đó, Brand Love cần được đầu tư & chăm chút tỉ mỉ, sâu sắc.
Vai trò của Brand Love
Một số chuyên gia hàng đầu về thương hiệu hiện nay chia sẻ rằng tình cảm khách hàng dành cho thương hiệu chính là nhân tố quyết định thương hiệu có thành công hay không. Họ rút ra điều này sau nhiều năm hoạt động, quản lý, tư vấn Marketing.
Theo đó, khi khách hàng dành tình yêu cho 1 thương hiệu đồng nghĩa với việc họ luôn đặt thương hiệu lên hàng đầu và ưu tiên sử dụng các sản phẩm/dịch vụ từ thương hiệu cho dù nó có thay đổi đến như thế nào đi nữa. Vì thế những thương hiệu có được tình yêu từ khách hàng sẽ dễ tăng doanh số hơn, dễ tung ra sản phẩm mới hơn, được khách hàng nhớ đến nhiều hơn, nhắc đến nhiều hơn, nhân viên thích được làm việc cho những thương hiệu này hơn, ngay cả giới tư vấn Marketing cũng quan tâm đến những thương hiệu được lòng khách hàng hơn.
- Ví dụ: Starbucks là ví dụ điển hình cho thấy tình yêu khách hàng quan trọng đến nhường nào. Starbucks có truyền thống thiết kế các mẫu ly đặc biệt vào những dịp lễ, tết như Halloween, giáng sinh, năm mới, trung thu… Sự yêu thương và săn đón của khách hàng góp phần tạo nên hiện tượng ‘săn ly Starbucks’ rầm rộ trong khoảng 2 – 3 năm trở lại đây tại Việt Nam khiến nhiều người không khỏi bất ngờ. Đỉnh điểm là bộ sưu tập ly Starbucks phiên bản giới hạn mùa xuân 2021 với những chiếc ly màu bạc hà có mức giá 490.000 đồng và chỉ bán khoảng 5-8 chiếc tại mỗi cửa hàng. Mức giá cao không ngăn được dòng người xếp hàng dài trước các cửa hàng chờ mở bán. Khi hết hàng, mức giá của chúng tăng gấp 5, tương đương 2,5 triệu đồng và vẫn có người mua. Thậm chí nhiều Website còn rao bán đến 20 triệu đồng cho một cặp ly Starbucks này. Câu hỏi ở đây là tại sao một chiếc ly nhựa lại có giá trị đến thế? Câu trả lời chính là tình yêu thương hiệu.
Hành trình xây dựng Brand Love
Cách tổng quan, khi thành lập một thương hiệu, điều đầu tiên bạn cần làm đó là bắt đầu xây dựng mối quan hệ với khách hàng. Hành trình này sẽ tiến triển tương tự như mối quan hệ của 1 đôi bạn. Trong mắt khách hàng, 1 thương hiệu mới giống như 1 kẻ hoàn toàn xa lạ, họ có thể ngẫu nhiên mua sản phẩm của thương hiệu bạn mà không bận tâm nhiều. Dần dần họ quen thuộc hơn và nếu thương hiệu đáp ứng được kỳ vọng của họ, họ sẽ xem thương hiệu như 1 người bạn uy tín. Khi khách hàng tiếp tục thấy thương hiệu tuân thủ cam kết với họ, họ sẽ mở lòng và bắt đầu yêu thích thương hiệu. Dần dà những cảm xúc họ dành cho thương hiệu sẽ tiến triển và khi đủ độ sâu sắc, họ sẽ yêu thương thương hiệu.
Hành trình trên được cụ thể thành 5 giai đoạn:
1. Chưa biết
Đối với 1 thương hiệu mới, khách hàng sẽ chẳng màng biết đến bạn. Nếu bạn không có thông điệp mạnh mẽ, thu hút, khách hàng thậm chí sẽ chẳng thèm ngoái nhìn bạn. Do đó, thương hiệu mới cần phải ưu tiên nguồn lực để khiến mình nổi bật trong mắt khách hàng.
2. Ít được biết đến
Ở giai đoạn này, thương hiệu ít được biết đến, khách hàng mới chỉ cảm thấy ổn và xem thương hiệu như 1 ‘món đồ’ thay thế. Họ sẵn sàng mua sản phẩm của thương hiệu khi có chương trình ưu đãi nhưng lúc bình thường họ sẽ trở về với những thương hiệu mà bản thân yêu thích. Do đó thương hiệu phải chứng tỏ được giá trị, chứng minh được bản sắc như tốt hơn, độc đáo hơn hay rẻ hơn đối thủ. Nếu không thành công ở giai đoạn này, thương hiệu nhiều khả năng sẽ sớm rời khỏi cuộc chơi thương trường.
3. Hứng thú
Thương hiệu đi đến giai đoạn này có thể được xem như đã vươn đến nấc thành công đầu tiên. Lúc này, khách hàng đã xem thương hiệu là lựa chọn logic, hữu ích và thông minh, dù vậy vẫn chưa thật sự dành nhiều cảm xúc. Kết quả là khách hàng vẫn có thể dễ dàng thay đổi thương hiệu theo cảm hứng. Dù vậy, nhiều thương hiệu đạt đến giai đoạn này vẫn đang quá tập trung phát triển sản phẩm mà không chú trọng thắt chặt mối dây cảm xúc với khách hàng. Đây được xem là sai lầm nghiêm trọng, nhiều khả năng sẽ đẩy khách hàng ra xa thương hiệu.
4. Yêu thích
Được khách hàng yêu thích, đồng nghĩa thương hiệu đã bắt đầu len lỏi vào trái tim họ. Các thương hiệu ở giai đoạn này cần tuân thủ những nguyên tắc sau: ‘Khách hàng phải yêu bạn trước khi bạn nói cho khách hàng biết vì sao họ nên yêu bạn’. Lúc này, khách hàng đã xem thương hiệu như 1 phần cuộc sống và thường xuyên sử dụng sản phẩm/dịch vụ từ thương hiệu. Do đó, thương hiệu cũng cần thể hiện tình yêu dành cho khách hàng để tiếp tục thắt chặt mối quan hệ thân thiết.
5. Yêu thương
Ở giai đoạn yêu thương, thương hiệu trở thành 1 biểu tượng trong lòng khách hàng. Thương hiệu có 1 cộng đồng những người hâm mộ – sẵn sàng yêu thương, bảo vệ và tự hào khi được trở thành 1 phần của thương hiệu. Vì thế, cái thương hiệu cần làm lúc này là mang lại những trải nghiệm tuyệt diệu cho các khách hàng trung thành để họ chia sẻ về thương hiệu với bạn bè, người thân, cộng đồng. Từ đó giúp hình ảnh thương hiệu được quảng bá rộng rãi nhất có thể.
Đến đây, bạn đã nắm được tầm quan trọng và những giai đoạn chính trong hành trình xây dựng tình yêu thương hiệu nơi khách hàng. Trong bài kỳ tới, Cask sẽ chia sẻ đến bạn những kế hoạch cụ thể áp dụng cho từng giai đoạn giúp bạn thành công chinh phục khách hàng. Mời các bạn cùng đón xem.
Khóa “The Journey of Brand Building” chuyên sâu về xây dựng & phát triển thương hiệu, học viên sẽ có năng lực tư duy về cách làm: Phân khúc thị trường, xác định phân khúc nhu cầu & nhóm khách hàng tiềm năng, thiết kế chiến lược ngành hàng để nắm bắt cơ hội, chiến lược thương hiệu, lập kế hoạch Brand Plan để đáp ứng mục tiêu tăng trưởng kinh doanh.
► Link Tham khảo: https://www.cask.vn/brand/brand
► Đọc thêm kiến thức về Brand MKT tại: https://www.cask.vn/blog/brand
► DOWNLOAD BROCHURE và xem lịch khai giảng tất cả khóa học trong năm 2023 tại: https://www.cask.vn/lich-khai-giang