Trong bài viết kỳ trước, chúng ta đã tìm hiểu tổng quan về định nghĩa, đặc điểm, giá trị của chỉ số tài chính ROI cũng như đề cập qua một yếu tố tăng cường cho cách tính ROI thêm chính xác là thời gian; trong bài viết kỳ này, chúng ta sẽ tìm hiểu tiếp một số yếu tố tăng cường ROI khác.
>>> Đọc thêm ROI – Một chỉ số, đa ngành nghề (Phần 1)
2. Thuế
Kinh doanh ở quốc gia nào cũng phải tuân thủ pháp luật và phải… đóng thuế, chỉ sau khi đóng thuế, cái còn lại mới là cái thực sự thuộc về mình.
Chưa tính thuế
Trở lại ví dụ ở mục 1, khi chưa tính thuế, chúng ta có:
(a) Tình huống mua nhượng quyền với doanh thu 200 triệu VND, chi phí 50 triệu VND và thời gian 1 năm; ROI(a) = (200,000,000 – 50,000,000)/50,000,000] / 1 = 300% / 1 = 300%
(b) Tình huống tự kinh doanh với doanh thu 300 triệu VND, chi phí 50 triệu VND và thời gian 2 năm; ROI(b) = [(300,000,000 – 50,000,000)/50,000,000] / 2 = 500% / 2 = 250%
=> Ở ví dụ này, chúng ta quy ROI về 1 năm để so sánh và ROI(a) > ROI(b)
Tính thuế
Bây giờ, chúng ta sẽ thêm yếu tố thuế vào; thuế sẽ được tính vào chi phí:
(a) Tình huống mua nhượng quyền ngành ăn uống với doanh thu 200 triệu VND, chi phí 50 triệu VND và thời gian 1 năm, thuế 1 năm bằng 30% doanh thu;
- ROI(a) = (200,000,000 – 50,000,000 – 200,000,000x30%)/50,000,000] / 1 = 180% / 1 = 180%
(b) Tình huống tự kinh doanh ngành IT với doanh thu 300 triệu VND vào cuối năm 2, năm đầu tiên xem như doanh thu không đáng kể, chi phí 50 triệu VND và thời gian đầu tư là 2 năm, thuế 1 năm bằng 10% doanh thu, vậy thuế này chỉ tính 1 lần vào cuối năm 2; chúng ta sẽ quy ROI về 1 năm bằng cách chia cho 2 để so sánh với ROI(a) ở trên
- ROI(b) = [(300,000,000 – 50,000,000 – 300,000,000*10%)/50,000,000] / 2 = 440% / 2 = 220%
=> Lúc này, ROI(b) > ROI(a); bạn thấy đó, khi cân nhắc về thuế, ROI của bạn có thể thay đổi
3. Chi phí giao dịch – Transaction Cost
Chi phí giao dịch – Transaction Cost là một khái niệm kinh tế học tương đối mới do nhà kinh tế học Oliver E. Williamson phát triển trong thế kỷ 20 và ngày càng trở nên phổ biến. Giao dịch ở đây được hiểu theo nghĩa rộng nhất – tức sự trao đổi hàng hóa, dịch vụ. Vậy khi bạn đầu tư một số vốn, bạn tạo ra hàng hóa, dịch vụ nào đó rồi bán cho khách hàng, thì đó là giao dịch. Chi phí giao dịch là mọi chi phí liên quan, góp phần tạo nên giao dịch – như: chi phí hoạch định, chi phí ra quyết định, chi phí điều chỉnh kế hoạch, chi phí giải quyết bất đồng… Tất nhiên, chúng ta không thể tính hết mọi yếu tố góp phần vào giao dịch, vì nó là vô hạn, nhưng điểm đặc sắc của chi phí là giao dịch là (1) Nó giúp bạn nhìn kĩ lại những chi phí ‘ẩn’ mà bạn thường bỏ quên hay thậm chí không nghĩ đó là chi phí, và (2) Nó sát với thực tế, bạn vẫn thường nghe nói ‘lấy công làm lời’ trong kinh doanh đó thôi
Ví dụ: bạn đầu tư 50 triệu VND để kinh doanh trà sữa, doanh thu dự trù là 200 triệu VND vào cuối năm 1; vậy ROI = (200,000,000 – 50,000,000)/50,000,000 = 300%
Bây giờ, chúng ta sẽ thêm chi phí giao dịch vào phép tính. Để kinh doanh trà sữa, bạn xin nghỉ việc ở công ty với mức lương 5 triệu VND/tháng và phải khảo sát chuẩn bị trong vòng 3 tháng; vậy 3 tháng này xem như bạn đang làm công không lương cho chính bạn, và bạn sẽ trả khoản lương này cho mình sau khi dự án có lời, đó chính là một khoản phí giao dịch; khoản phí này là bao nhiêu tùy thuộc vào bạn đánh giá năng lực mình đáng giá bao nhiêu, nhưng để tham khảo, chúng ta có thể lấy mức lương cũ của bạn là 5 triệu VND/tháng, vậy khoản lương cho bạn trong 3 tháng là 15 triệu VND. Lúc này:
- ROI = (200,000,000 – 50,000,000 – 15,000,000)/50,000,000 = 270%
=> ROI của bạn đã giảm, tình huống trên cho chúng ta thấy một điều: bạn càng giỏi bao nhiêu, thì doanh thu dự án phải càng cao bấy nhiêu để có ROI tương xứng với năng lực cá nhân của bạn.
4. Chi phí cơ hội – Opportunity Cost
Khi bạn có nhiều dự án để lựa chọn đầu tư, bạn sẽ có chi phí cơ hội. Chẳng hạn bạn có 2 dự án A và B, nếu bạn chọn A bạn sẽ không thể chọn B, bạn thu được khoản lợi nhuận từ A và không thu được khoản lợi nhuận từ B và ngược lại; vậy khoản lợi nhuận từ B chính là cái bạn chấp nhận mất để đổi lại khoản lợi nhuận từ A – tất nhiên trên cơ sở số vốn bạn bỏ ra cho A và B là ngang nhau; khoản lợi nhuận từ B chính là chi phí cơ hội của bạn.
Trở lại với ví dụ kinh doanh trà sữa ở trên, ROI của bạn là 270%. Đó là một lựa chọn của bạn, nếu bạn không có dự án nào khác, bạn vẫn có một lựa chọn tiềm năng sẵn có, đó là gửi tiền vào ngân hàng và nhận lãi suất năm; do ngân hàng là thiết chế tài chính được nhà nước bảo trợ, nên mức độ an toàn gần như 100%, bạn gần như luôn được bảo đảm sẽ có lời. Nếu lãi suất ngân hàng cho bạn là 10% / năm, thì đó chính là ROI cho dự án gửi tiền ngân hàng, bạn gần như không tốn thêm chi phí nào đáng kể. Lúc này, ta có 2 dự án:
A: kinh doanh trà sữa, ROI(a) = 270%
B: gửi tiền ngân hàng, ROI(b) = 10%
- Nếu chọn dự án A và tính chi phí cơ hội vào thì ROI(a’) = 270% - 10% = 260%
- Nếu chọn dự án B và tính chi phí cơ hội vào thì ROI(b’) = 10% - 270% = - 260%
=> Như vậy, giữa A và B nên chọn A, và khi tính chi phí cơ hội vào, thì ROI của A giảm xuống.
Kết
Trong bài viết kỳ tới, chúng ta sẽ tìm hiểu tiếp một số yếu tố tăng cường khác cùng các chủ đề còn lại về ROI.
Khóa học "Finance for Non-Finance Managers" tại CASK Academy – Tài chính ứng dụng dành cho người làm Marketing, Brand, Trade, Sales & SMEs được hệ thống đầy đủ trong 2 ngày học.
► Link Tham khảo: https://www.cask.vn/business/finance
► Đọc thêm kiến thức về Finance tại: https://www.cask.vn/blog/tai-chinh
► DOWNLOAD BROCHURE và xem lịch khai giảng tất cả khóa học trong năm 2023 tại: https://www.cask.vn/lich-khai-giang